Trúng lộc biển trên cánh đồng Hoàng Sa
Thu “lộc” đầu năm
Sáng 21.2, dọc các bãi biển Sơn Trà, Thanh Khê… (Đà Nẵng) rộn vang tiếng cười của những ngư dân hồn hậu sau khi những chuyến tàu giã cào gần bờ trúng đậm ruốc (tép), tôm cá thì đầy khoang.
Theo thông tin từ Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, từ ngày mùng 6 tháng Giêng lại đây, mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền công suất nhỏ của ngư dân miền Trung ra khơi. Còn các tàu công suất lớn đã đăng ký đồng loạt ra khơi trong ít ngày nữa.
Ngư dân Nguyễn Minh (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) vui vẻ cho hay, tàu của anh vừa cập cảng cá Thọ Quang sau chuyến giã cào chưa đến 1 ngày 1 đêm để bán hải sản.
Chuyến này tàu anh ra khơi với 6 thuyền viên đã cào được gần 4 tấn ruốc. “Đầu năm, ruốc bán được giá khá cao từ 12.000-15.000 đồng/kg. Tôm cá tuy nhỏ nhưng đánh bắt gần bờ tươi rói nên cũng được giá. Trừ đi chi phí, tính ra mỗi thuyền viên cũng được cỡ 2,5 triệu đồng/chuyến” - anh Minh cho hay.
Niềm vui thu được “lộc” biển đầu năm không chỉ dành riêng cho ngư dân Đà Nẵng mà lan tỏa tới các tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi… đang neo bán hải sản ở cảng cá Thọ Quang.
Ngư dân Nguyễn Xứng - chủ tàu cá QNa - 91224 (Thăng Bình, Quảng Nam) thì cho biết, ngày mùng 6 tháng Giêng anh cho tàu mở biển khai thác cách bờ khoảng 50 hải lý. Sau 3 ngày đêm, tàu đánh bắt được hơn 8 tấn cá lạc vừng. Tàu vừa vào tới bờ đã có thương lái đến mua cá với giá 12.000 đồng/kg. Trừ tổn phí 15 triệu đồng, chuyến biển này anh thu lợi hơn 50 triệu đồng.
Niềm tin từ “cánh đồng lớn” Hoàng Sa
Trở về từ Hoàng Sa sau chuyến biển xuyên tết hơn 20 ngày, anh Trần Đình Chiêu (Quảng Ngãi) - chủ cặp tàu công suất lớn QNg 92600, QNg 92601 cho hay đã thu lãi gần 1 tỷ đồng. “Ngày 18 tháng Chạp, phần lớn tàu bè đã nghỉ đón tết nhưng riêng tôi quyết định ăn tết ở Hoàng Sa. Năm nay tôi không ăn tết cùng gia đình nhưng bù lại trời đất phù hộ cho chuyến biển này rất thuận lợi. Vào cảng Thọ Quang với 50 tấn hải sản các loại, gặp lúc đầu năm hiếm hàng bán giá rất cao nên tôi thu lãi gần 1 tỷ đồng. Mỗi thuyền viên dắt túi trên dưới 30 triệu đồng về sum vầy với gia đình ít ngày rồi tiếp tục quay lại Hoàng Sa” - anh Chiêu vui mừng nói.
Trong khi đó, cũng tại cảng cá Thọ Quang, hàng trăm tàu thuyền đủ nghề như câu mực, giã cào, lưới vây… có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… đang hối hả chuẩn bị đầy đủ nguyên nhiên liệu để chờ đến ngày 16 tháng Giêng cùng đồng loạt ra khơi để đón mùa cá nổi ở “cánh đồng” Hoàng Sa.
Ngư dân Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - chủ tàu cá ĐNa-90351 cho biết, để nâng cao năng lực khai thác cho năm 2016, nhiều tàu cá nghề lưới vây ngày ở Đà Nẵng đã đầu tư thêm dàn đèn công suất lớn để kết hợp khai thác ban đêm. Các chuyến biển vừa qua ở Hoàng Sa cho thấy cá ngừ đứng đèn nhiều nên phần lớn sản lượng khai thác của các tàu đều là cá vây đêm.
Anh Chiến cho biết thêm, tàu anh đã chuẩn bị 3.000 lít dầu, 500 cây đá cùng các nguyên nhiên liệu thiết yếu khác để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm đầy hy vọng.
“Với giá hải sản đang khá cao và giá dầu đã giảm nhiều so với năm trước, chúng tôi tin rằng năm nay ngư dân sẽ có một năm khai thác và kinh doanh hiệu quả và có lợi nhuận cao” - ngư dân Lê Văn Sang (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) chủ 3 con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá tin tưởng nói.
Có thể bạn quan tâm
Từ ngày xây hầm biogas, nhiều hộ chăn nuôi trên vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện (Hải Dương) rất phấn khởi vì không chỉ tiết kiệm được chi phí mua chất đốt mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mọi năm thời điểm này người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Khánh Hòa rầm rộ cải tạo ao đìa chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới, nhưng năm nay lại dè chừng...
Ngày 18/2, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An (Phú Yên), cho biết, thời gian gần đây, cá dìa bông (một loài cá da trơn) xuất hiện mật độ dày trên đầm Ô Loan, đã giúp ngư dân khai thác với số lượng lớn và thu nhập đáng kể.